Trang chủ Du lịch 7 món bánh Huế cứ “ăn một lần là nhớ cả đời”

7 món bánh Huế cứ “ăn một lần là nhớ cả đời”

Đăng bởi Đặng Trần Lê Trâm 14/11/2019 0 Bình luận

Nhắc đến nền ẩm thực của mảnh đất cố đô sẽ thật là thiếu sót nếu như bạn không nhắc đến bánh Huế. Các món bánh không chỉ là những món ăn ngon mà nó còn là sự tinh hoa và mang trong mình những ý nghĩa sâu sắc. Đã tới Huế thì nhất định bạn phải thử cho bằng sạch 7 món bánh cứ “ăn một lần là nhớ cả đời” dưới đây nhé! 

Bánh bột lọc Huế 

Địa chỉ tham khảo: 

  • Khu ẩm thực chợ Đông Ba, địa chỉ số 2 Trần Hưng Đạo, Tp. Huế
  • Bánh lọc Mụ Cai, địa chỉ Số 9 Kiệt 475 Chi Lăng, Tp. Huế, Huế
  • Quán bà Đỏ, địa chỉ 08 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Phú Cát, Tp. Huế

Nếu như để kể tên một món bánh nổi tiếng nhất ở Huế có lẽ không thể không nhắc đến cái tên bánh bột lọc. Mặc dù ở nhiều địa phương cũng có món bánh này thế nhưng có thể nói chỉ ở Huế thì bánh bột lọc mới ngon đúng điệu như thế mà thôi!

Tuy là một món bánh bình dị và quen thuộc trong đời sống hàng ngày thế nhưng bánh bột lọc lại có cách chế biến khá cầu kì. Bánh gồm có 2 phần chính là phần vỏ bên ngoài và phần nhân ở bên trong. Phần vỏ ngoài thường được làm từ bột năng nên khi chín bánh sẽ có độ trong suốt, nhìn được ở bên trong. Bột năng phải được làm từ loại bột ngon thì khi ăn mới cảm nhận được độ dai, mềm chứ không bị nát.

Phần nhân của bánh bột lọc Huế là sự hòa trộn giữa nhiều nguyên liệu với nhau. Thịt tôm thanh mát cùng với vị thịt đậm đà tạo nên hương vị khó có thể cưỡng lại được. Nhiều nơi, họ còn biến tấu cho món bánh bột lọc với phần nhân cho thêm mộc nhĩ để tạo độ giòn giòn cho bánh.

Thưởng thức bánh bột lọc cũng là cả một nghệ thuật. Có người thì thích chan nước mắm chua ngọt thật đẫm lên bánh, có người thì lại thích chấm bánh cùng với nước mắm sau đó mới ăn. Bánh bột lọc ở Huế thường được chia thành 2 kiểu đó là bánh lọc gói lá và bánh để trần không. Dù là kiểu nào đi chăng nữa thì khi thưởng thức cũng vô cùng hấp dẫn.

Bánh bột lọc cũng là một trong những đặc sản Huế nổi tiếng mà du khách có thể mua về làm quà. Tuy nhiên bánh bột lọc không để được lâu nên nếu bạn muốn mua về thì hãy bảo quản trong tủ đá nhé!

Bánh bèo Huế 

Địa chỉ tham khảo: 

  • Quán 109 – Bánh bèo – nậm – lọc, địa chỉ 109 Lê Huân, Tp. Huế
  • Khu ẩm thực chợ Tây Lộc, địa chỉ 209 Nguyễn Trãi, Tp. Huế
  • Quán Chi bánh bèo – Nậm – Lọc, địa chỉ 52 Lê Viết Lượng, P. Xuân Phú, Tp. Huế

Khác với bánh bột lọc, bánh bèo Huế lại khiến thực khách phải thòm thèm ngay từ khi nhìn thấy vẻ ngoài với màu trong trắng và độ mềm dẻo của chúng. Sở dĩ người ta thường ví những người con gái điệu đà là bánh bèo cũng bởi một phần xuất phát từ món ăn bình dị này ở Huế.

Bánh bèo Huế không được làm quá cầu kì như món các loại bánh Huế khác mà ngược lại chúng chế biến vô cùng đơn giản nhưng quan trọng hơn cả chính là bởi phần pha bột làm sao để khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được độ mềm của bánh.

Ở Huế người ta thường làm bánh bèo trong những chén con con chỉ có kích thước trong lòng bàn tay mà thôi. Những chén nhỏ sau khi được cho bột vào sẽ đem hấp cho chín. Không dừng lại ở đó đâu nhé, điểm nhấn của món bánh trong trắng, tinh khôi này chính là bởi phần mỡ hành, tóp mỡ và thêm một chút ruốc tôm hoặc thịt băm nhỏ ở phía trên vô cùng bắt mắt.

Để thưởng thức món bánh Huế này người ta cũng ăn kèm cùng với nước chấm chua ngọt đặc trưng. Nước mắm được rưới lên trên các chén nhỏ sau đó dùng thìa lấy phần bánh này cho vào miệng ăn và cảm nhận. Độ mềm dẻo của bánh hòa quyện cùng với vị đậm đà của nước mắm và tôm, béo ngậy của mỡ hành và giòn tan của tóp mỡ. Từ những nguyên liệu tưởng chừng như chẳng hề liên quan với nhau thế nhưng lại đem lại một món bánh ngon và nức tiếng đến vậy.

Bánh nậm Huế 

Địa chỉ tham khảo: 

  • Quán 109 – Bánh bèo – nậm – lọc, địa chỉ 109 Lê Huân, Tp. Huế
  • Quán Chi bánh bèo – Nậm – Lọc, địa chỉ 52 Lê Viết Lượng, P. Xuân Phú, Tp. Huế
  • Quán bánh bèo, nậm, lọc, 48 Thạch Hãn, Tp. Huế

Nhắc đến những món bánh Huế nổi tiếng nhất cố đô chắc chắn không thể không nhắc đến bánh nậm. So với các món bánh khác, bánh nậm lại được chế biến có phần cầu kì hơn. Cũng từ những nguyên liệu khá giống với món bánh bèo như bột gạo, ruốc tôm, thịt băm thế nhưng hương vị của món ăn này lại hoàn toàn khác biệt.

Bột gạo phải được chọn từ loại gạo ngon sau đó nêm thêm chút gia vị và đun cho đến khi bột đặc quánh lại cho đến khi nhắc đũa lên không thấy bột chảy xuống thì tắt bếp. Tôm được lột hết phần vỏ và băm nhỏ rồi đảo trên bếp cùng với thịt, nước mắm, tiêu và chút hành lá. Chưa dừng lại ở đó, tôm sau khi xào và nêm gia vị vừa ăn người ta sẽ đem giã nhỏ rồi lại bắc lên bếp để xào cho khô.

Bột gạo trắng ngần được phết lên lá dong một lớp mỏng mịn, không quá dày theo hình chữ nhật sau đó cho thêm phần nhân gồm tôm xay, thịt băm nhỏ và một vài lát hành nhỏ lên trên sau đó đem hấp chín.

Không chỉ gây ấn tượng với vẻ bề ngoài hấp dẫn mà vị bùi bùi của món bánh cũng khiến kích thích vị giác của bất kì vị thực khách nào rồi đó! Nước chấm được pha chua, cay, mặn, ngọt cùng với hương thơm của lá dong không hề ngấy một chút nào! Khi thưởng thức bạn chớ vội nhai mà hãy để cho bột gạo tan ra trong miệng mới cảm nhận được vị béo ngậy đặc trưng.

Bánh ram ít 

Địa chỉ tham khảo: 

  • Quán bà Đỏ, địa chỉ 08 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Phú Cát, Tp. Huế
  • Quán Mệ Lé , địa chỉ 104/17/9 Kim Long, Tp. Huế

Dẻo dẻo giòn giòn là những gì mà bạn có thể cảm nhận sau khi thưởng thức món bánh ram ít. Cũng được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như bột gạo, tôm, thịt… thế nhưng cách chế biến món bánh Huế này lại có nhiều điểm khác biệt. Tên gọi là ram ít là bởi món bánh này gồm 2 phần chính là ram và ít.

Nguyên liệu chính để làm nên phần ram ít chính là gạo nếp. Bột gạo phải được chọn từ những loại nếp ngon sau đó nhào bột công phu để đảm bảo bột đạt độ dẻo đúng chuẩn sau đó nặn thành những viên tròn nhỏ bằng hai đầu ngón tay. Tôm sau khi lột bỏ vỏ để nguyên con đem trộn cùng với thịt ba chỉ băm nhỏ và nêm thêm nước mắm và các loại gia vị rồi đem kho trong khoảng 15 phút sau đó đem trộn vào giữa phần bột bánh rồi đem hấp cách thủy khoảng 10 phút là được.

Khác với bánh ít, bột của bánh ram lại thường trộn cùng với ít nước hơn một chút để tạo độ cứng vừa phải. Từng miếng bột nhỏ sẽ được đem chiên trên chảo dầu cho tới khi bánh ngả sang màu vàng sẫm thì đặt một cái bánh ít lên trên cái bánh ram và dùng đũa ấn cho bánh ít dính chặt cùng với bánh ram.

Thế nhưng bấy nhiêu công đoạn vẫn chưa thể hoàn thành xong món bánh Huế này đâu nhé! Khi ăn người ta thường rắc thêm một chút ruốc tôm hoặc mỡ hành. Điểm độc đáo của món bánh ram ít này chính là phần nước chấm được pha chua ngọt, không quá mặn điểm thêm vài lát ớt xanh xay nhẹ thì quả thực vô cùng tuyệt vời. Sự kết hợp giữa vị giòn tan của bánh ram với độ dẻo của bánh ít và vị mặn ngọt của nước mắm chắc chắn sẽ khiến cho bất kì ai khi thưởng thức cũng sẽ thấy ngon miệng!

Bánh ép Huế

Địa chỉ tham khảo: 

  • Quán 20: 20 Nguyễn Du, thành phố Huế
  • Quán Dì Mai: Đối diện trường THCS Duy Tân, thành phố Huế
  • Bánh ép Gia Di: 101 Bà Triệu, thành phố Huế

Với những du khách thì bánh ép có vẻ là một món bánh Huế đôi chút lạ lẫm thế nhưng với người dân cố đô thì đây lại là một món ăn vô cùng quen thuộc và gắn liền với biết bao thế hệ người Huế. Được biết, món bánh ép bắt đầu xuất hiện từ vùng biển Thuận An, từ những viên bột lọc ban đầu, người ta bắt đầu cho thêm những nguyên liệu để tăng sức hấp dẫn cho món ăn như trúng gà, thịt mỡ ướp muối, xúc xích, pate,hành lá… với đủ vị mặn, ngọt, cay… nhìn thôi cũng thấy hấp dẫn lắm rồi!

Sở dĩ có tên gọi là bánh ép là bởi món bánh này sẽ được ép trong một chiếc khuôn được những người dân xứ Huế tự chế ra chỉ với 2 miếng nhôm và đặt trên bếp than hồng. Phần bột lọc sau khi cho vào khuôn sẽ đem chờ để ép. Thời gian ép không được quá lâu bởi chúng sẽ khiến cho vỏ bánh bị quá khô, cứng nhưng cũng không nên để nhanh bởi khi ấy bột sẽ vẫn còn mềm. Đặc biệt, khi ép bạn còn có thể nghe thấy những tiếng xì xèo và hương thơm của bánh tỏa ra thơm nức mũi nữa đó!

Bên cạnh bánh ép khô còn có bánh ép mềm với vị ngon không hề thua kém đâu nhé! Bánh ép mềm hay còn được biết đến với tên gọi là bánh ép ướt. Vỏ bánh mềm giống như bánh tráng nên khi ăn bạn cũng chỉ cần cho thêm rau sống sau đó cuốn lại và chấm cùng với nước mắm chua ngọt là có thể thưởng thức rồi đó! Không chỉ có nhiều ở Thuận An mà hiện nay món bánh ép còn có ở rất nhiều trên đường phố Huế nữa đó!

Xem thêm: Chè Huế ăn đâu ngon? 25 quán chè Huế ngon rẻ chỉ từ 10k 

Bánh khoái 

Địa chỉ tham khảo: 

  • Bánh Khoái Hạnh, địa chỉ 11 Phò Đức Chinh, Tp. Huế
  • Bánh Khoái Hồng Mai, địa chỉ 78 Đinh Tiên Hoàng, Tp. Huế
  • Bánh Khoái Lạc Thiên, địa chỉ 6 Đinh Tiên Hoàng, Tp. Huế

Nếu thoạt nhìn thì bạn sẽ thấy bánh khoái khá giống với món bánh xèo thế nhưng trên thực tế món ăn này lại khác biệt đấy nhé! Có thể nhiều người thường băn khoăn vì không biết tại sao món ăn này lại có tên là khoái đúng không nào? Sở dĩ có tên gọi đặc biệt như vậy là bởi khi ăn món bánh Huế này bạn sẽ thấy có độ giòn giòn mềm mềm cực kì khoái vị và sảng khoái đó!

Mọi công đoạn để làm ra món bánh này đều vô cùng công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay trong từng chi tiết. Để làm ra món bánh khoái Huế thơm ngon thường thì người ta sẽ rất chú trọng vào phần bột và lửa đun trên bếp. Bánh ngon hay không sẽ quyết định bởi phần bột được pha vừa độ, không được đặc quá nhưng cũng không được quá loãng. Bột bánh được làm từ bột gạo loại ngon và hòa thêm cùng với một chút bột năng, cho thêm một chút gia vị. Để bánh có màu vàng bắt mắt người ta thường cho thêm trứng gà hoặc bột nghệ.

Bánh khoái thường có phần nhân ăn kèm gồm tôm, giá, thịt heo…. tất cả các nguyên liệu đem xào sơ qua cùng với nấm hương và cho thêm gia vị để tạo sự đậm đà cho món ăn. Khi chiên bánh khoái, người ta thường chờ cho tới khi những chiếc chảo gang nóng thì bắt đầu tráng một lớp bột lên trên và cho phần nhân vào giữa. Khi bánh chín thì dùng vỉ gập bánh làm đôi và để thêm một chút cho bánh được giòn ưng ý. Bánh khoái khi ăn thường được ăn kèm cùng với rau sống và nước mắm chua ngọt để giảm bớt độ ngấy khi chiên dầu mỡ.

Bánh ướt thịt nướng 

Địa chỉ tham khảo: 

  • Bánh ướt Huyền Anh: 50 Kim Long, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
  • Quán Hồng Quảng: 74 Kim Long, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Bánh ướt thịt nướng khá giống với món bánh cuốn ở ngoài Bắc thế nhưng cách làm nên món bánh Huế này lại có nhiều điểm khác biệt. Bánh ướt thường được làm từ loại bột gạo ngon và được pha thêm cùng với củ sắn xay nhuyễn và lọc lấy bột theo một tỉ lệ tương thích để bột có màu trắng mịn, mềm và không bị chua. Cũng giống với món bánh cuốn, khi khách ăn đến đâu thì mới đem tráng bánh tới đó thì bột mới giữ nguyên được độ mềm.

Đặc biệt nhất của món ăn này có lẽ chính là phần thịt nướng. Thịt phải được chọn từ những miếng thịt cả nạc và mỡ để khi nướng không bị khô. Thịt được đem tẩm ướp gia vị đậm đà sau đó đem nướng trên bếp than hoa để tăng thêm hương vị thơm nồng của món ăn. Cách thưởng thức bánh ướt đúng điệu chính là để bánh tráng thật mỏng sau cho cho thêm thịt nước cùng với các loại rau sống ở bên trong rồi cuốn lại và chấm với nước mắm hoặc mắm nêm. Món ăn này thích hợp trong cả những ngày hè nóng bức hay những ngày lạnh cũng rất ngon!

Trên đây là tổng hợp những món bánh Huế ngon và hấp dẫn nhất, đảm bảo một khi bạn đã được thưởng thức thì nhất định sẽ nhớ mãi hương vị trong từng món ngon. Ngoài ra, đừng quên nền ẩm thực cố đô còn có rất nhiều những món ăn thơm ngon hấp dẫn khác để bạn khám phá nữa đấy nhé!

>> Xem thêm: 30 món ăn Huế ngon nhất “chưa thử chưa về”

0 Bình luận
0

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận