Chủ nhật, ngày 08-02-2009
Công cụ làm việc cá nhân


    Thủ tướng: Mỗi Bộ trưởng phải là ''Tư lệnh''

    • Send this page to somebody
    • Print this page
    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh "mỗi Bộ trưởng phải như là 'Tư lệnh' trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh. Ngay sau phiên họp này, các Bộ trưởng cần phải xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt!"

    Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, diễn ra trong hai ngày 3 và 4/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ trong những tháng tới phải thực hiện những giải pháp, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; các Bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt các giải pháp sát thực đối với các chương trình, đề án hỗ trợ 61 huyện nghèo, nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ những người mất việc làm.

    Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1, sản xuất công nghiệp trên phạm vi cả nước giảm mạnh, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 51.000 tỷ đồng, giảm 4,4 % so với cùng kỳ năm trước và giảm 8,6% so với tháng 12/2008.

    Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 ước đạt khoảng 370.000 lượt khách, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm tới 24,2% và kim ngạch nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, bằng 55,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 so với tháng 12/2008 tăng 0,32%.

    Các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận Báo cáo về tình hình thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài 3 năm 2006-2008 và một số giải pháp cơ bản cho các năm 2009- 2010. Ba năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng mạnh với vốn đăng ký đạt 97,6 tỷ USD, vượt 77,4% so với mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2006-2010; trong đó vốn thực hiện đạt khoảng 23,6 tỷ USD, bằng 94,4% mục tiêu cho giai đoạn 2006-2010.

    Riêng trong năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới nhưng vốn FDI đăng ký đạt trên 64 tỷ USD, tăng 3 lần so với năm 2007 và vốn giải ngân đạt 11,5 tỷ USD, tăng 44% - đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm thu hút FDI.

    Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy, thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài 3 năm qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, kinh doanh vẫn còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán; công tác quy hoạch lãnh thổ, ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm còn yếu và thiếu; hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém; thiếu nguồn nhân lực đã qua đào tạo; và công tác giải phóng mặt bằng chậm.

    Chính phủ cũng thảo luận và thông qua 8 nhóm giải pháp cần ưu tiên để tiếp tục thu hút, thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI, trong đó chú trọng đến các vấn đề còn yếu.

    Về thu hút và quản lý FDI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong những năm tới, các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt làm tốt thu hút FDI, trong đó ưu tiên các dự án FDI công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn. Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về tiếp tục thu hút FDI trong những năm tới.

    Chính phủ nghe và thảo luận dự thảo về Đề án An ninh lương thực, thực phẩm đến năm 2020 và Báo cáo về hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2008 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

    Theo Đề án An ninh lương thực, thực phẩm đến năm 2020, sẽ bảo đảm vững chắc nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, đáp ứng một cách ổn định và bền vững yêu cầu các loại lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước; từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn của các nhóm dân cư; bảo đảm vệ sinh, hướng tới cân đối dinh dưỡng cho một cuộc sống khoẻ mạnh và phát triển giống nòi.

    Về hai vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về An ninh lương thực, thực phẩm đến năm 2020; báo cáo với Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2008 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và sau đó sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước./.

    (TTXVN/Vietnam+)