Tăng cường năng lực cạnh tranh: Giải pháp giúp “né tránh” tác động của khủng hoảng
Đây là điều ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu (EuroCham) đã phát biểu khai dẫn Hội thảo “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU: Tăng cường sự cạnh tranh” vừa diễn ra ở Hà Nội trước thềm Xuân Kỷ Sửu.
Tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh
Để phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam đã và đang từng bước hình thành đồng bộ và hoàn thiện hơn các chính sách liên quan đến cạnh tranh. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất thể hiện quyết tâm xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế là Quốc hội đã ban hành Luật Cạnh tranh. Đây là bộ luật đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao về tính hiện đại, toàn diện và phản ánh được các nguyên tắc cơ bản của cạnh tranh. Quá trình xây dựng môi trường cạnh tranh và nâng cao năng lực canh tranh cho nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến rất tích cực thể hiện qua độ mở rất lớn của nền kinh tế, nền kinh tế luôn tăng trưởng ở mức cao trong hàng thập kỷ lại đây, đầu tư nước ngoài (FDI) thường xuyên xác lập các kỷ lục mới, và Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu, rộng hơn với nền kinh tế thế giới.
Ngay cả khi nền kinh tế Việt Nam gặp phải những khó khăn lớn tưởng chừng rơi vào khủng hoảng thì các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ nhằm ngăn chặn lạm phát và chống suy giảm kinh tế trong năm qua vẫn không những đã rất tôn trọng các nguyên tắc cạnh tranh mà còn giúp cải thiện hơn môi trường cạnh tranh, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam - Lê Danh Vĩnh: “Trong các giải pháp cấp bách Chính phủ Việt Nam đưa và đang khẩn trương triển khai quyết liệt nhằm chống suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội… có cả các chính sách, các chương trình cải thiện hơn môi trường cạnh tranh. Việc nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế cũng được thực hiện tích cực như đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường. Mặc dù nền kinh tế đã và đang gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam vẫn tôn trọng và thực thi đầy đủ các cam kết thương mại đã ký kết với cộng đồng quốc tế. Trong quá trình hoạch định chính sách để xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe và đánh giá cao các ý kiến khuyến nghị chân thành có giá trị của các chuyên gia từ nhiều phía, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam”.
Tăng cường thêm năng lực
Theo ông Alain Cany, mặc dù năm 2008 nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết đổ vào Việt Nam đạt kỷ lục (khoảng 64 tỷ USD), song trước tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã suy giảm, trong khi thị trường nội địa vẫn bộc lộ sự non yếu đã khiến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có dấu hiệu suy giảm. Vì vậy, Việt Nam cần có những biện pháp sáng tạo để tối đa hóa khả năng thu hút FDI với vai trò là điểm đến của đầu tư nước ngoài qua đó xoa dịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 và tiếp theo.
Còn ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại Ủy ban Châu Âu (EC) tại Việt Nam thì cho rằng, khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu khiến GDP của khu vực đồng Euro năm 2009 dự báo sẽ giảm khoảng 0,4%; Mỹ giảm khoảng 2%; Nhật Bản ước tính cũng sẽ giảm khoảng từ 0-1%. Đây toàn là những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, và đương nhiên xuất khẩu của Việt Nam vào những thị trường này sẽ bị thu hẹp đáng kể so sức tiêu dùng giảm. Thị trường quan trọng thứ ba của Việt Nam là các nước ASEAN thì cán cân thương mại nhập siêu khá lớn vẫn nghiêng về Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam vừa có hiệu lực cũng đã làm gia tăng chi phí nhân công cho nhân viên nước ngoài với mức thuế so sánh với các nước trong khu vực Việt Nam không có ưu thế cạnh tranh. Tất cả những điều này sẽ tác động đáng kể tới các quyết định đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng mọi chi phí đều được các nhà đầu tư tính toán, soi xét rất kỹ lưỡng.
Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn với định hướng xuất khẩu và phụ thuộc đáng kể vào FDI. Các nhân tố chính tác động đến chất lượng xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam hiện nay là chất lượng sản phẩm; chiến lược marketing; chi phí sản xuất; vận chuyển và cơ sở hạ tầng; hàng rào thuế quan và phi thuế quan; việc tuân thủ các qui định vệ sinh và an toàn kiểm dịch… Vì vậy, ông Antonio Berenguer cho rằng, tuân thủ tốt các quy tắc, các tiêu chuẩn quốc tế của WTO, của EU…; đồng thời tích cực đàm phán những định chế tự do mậu dịch thuận lợi hơn và tăng tốc cải cách trong nước nhằm khuyến khích đầu tư hơn nữa… là những cách rất tốt có thể giúp Việt Nam tăng cường hơn năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay./.
(DCSVN)