Tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào
Hiện nay, tình hình kinh tế của Lào có nhiều tiến triển tốt, đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ và suy thoái kinh tế thế giới cũng như thiên tai.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2010 đạt khá, dự kiến khoảng 7,6%; xuất khẩu 6 tháng đạt 580 triệu USD, bằng 55% kế hoạch năm; nhập khẩu 526 triệu USD, bằng 50% kế hoạch năm.
Chính phủ Lào khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài, tăng cường sản xuất hàng hóa, kiểm soát giá hàng nhập và giá hàng sản xuất trong nước để khống chế lạm phát. Nguồn vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 549 triệu USD.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chủ trương tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước nhằm bảo đảm lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi bên.
Lào tích cực tham gia các hội nghị quốc tế và có những đóng góp tốt nhằm thực hiện các chương trình hợp tác do các diễn đàn đưa ra; tích cực tham gia hoạt động trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trên tinh thần giữ vững các nguyên tắc cơ bản của ASEAN...
Mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển mạnh mẽ. Hai bên đang tích cực triển khai các thỏa thuận cấp cao hai nước, Biên bản kỳ họp lần thứ 23 Ủy ban Liên Chính phủ (11-12/1/2010) và Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật Việt Nam-Lào năm 2010.
Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao nhằm trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau cũng như tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, trong đó nổi bật là chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4/2010); Phó Chủ tịch nước Bounnhang Volachit thăm chính thức Việt Nam (3/2010); Đoàn Phó Thủ tướng Asang Laoly sang dự lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước tại thành phố Hồ Chí Minh (30/4/2010).
Đoàn đại biểu Đảng do ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo biên soạn lịch sử đặc biệt Việt Nam-Lào đã tham dự Hội nghị tổng kết công tác biên soạn lịch sử đặc biệt Việt Nam-Lào và dự Hội thảo quốc tế thành lập khu kháng chiến Tây Bắc Lào tại Xaignabouli (6/2010)...
Việc phối hợp tổ chức các ngày lễ lớn của hai nước đạt kết quả rất tốt đẹp. Lào đã tổ chức míttinh trọng thể cấp Nhà nước kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức thi sáng tác bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức Lễ khởi công xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiêngvang, huyện Nongbouk, tỉnh Khammouan; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam...
Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển lâu dài, đảm bảo môi trường bền vững giữa hai nước đã được triển khai và đạt kết quả khả quan.
Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới sau thời gian khởi động, nay đã có đà và sẽ tăng tốc trong các năm tới. Hai bên đã thống nhất lấy năm 2010 là năm tăng tốc cắm mốc và quyết tâm hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày hệ thống mốc quốc giới vào năm 2014.
Hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng khởi sắc và hiệu quả. Nhiều cơ chế, chính sách được xem xét, điều chỉnh kịp thời. Tính đến tháng 5/2010, đã có 219 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam được Chính phủ Lào cấp phép với vốn đầu tư trên 2,4 tỷ USD.
Riêng từ tháng 1/2010 đến tháng 5/2010 (tính theo năm tài chính của Lào), Lào đã cấp phép 12 dự án cho các nhà đầu tư Việt Nam (168 triệu USD). Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đang được các doanh nghiệp quan tâm nhằm đảm bảo theo tiến độ đã thỏa thuận.
Kim ngạch xuất khẩu Việt-Lào 6 tháng đầu năm 2010 đạt 212 triệu USD (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2009), trong đó xuất khẩu đạt 91 triệu USD (tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2009); nhập khẩu đạt 121 triệu USD (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009).
Hợp tác trên các lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, văn hóa-thể thao-du lịch... giữa hai nước đạt hiệu quả cao. Hợp tác trong giáo dục đào tạo tiếp tục là lĩnh vực hợp tác chiến lược. Hai nước đang phối hợp để sớm hoàn thiện Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực."
Hợp tác giữa các địa phương được chú trọng thúc đẩy. Đặc biệt, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh với Vientiane, Champasak, Khammouan đã được mở rộng và phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, phần nào đáp ứng được nhu cầu phát trển của các địa phương và khai thác được tiềm năng và thế mạnh sẵn có về đất đai và nguồn tài nguyên, nhân lực mỗi bên.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cũng thường xuyên trao đổi thông tin về các vấn đề quốc tế; phối hợp trong các hoạt động tại ASEAN, các tổ chức và diễn đàn hợp tác đa phương, tăng cường hợp tác và sử dụng nguồn nước sông Mekong.
Việt Nam tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn, cũng như kinh nghiệm hội nhập quốc tế để Lào tham khảo trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); phối hợp chặt chẽ với Campuchia triển khai thực hiện tốt thỏa thuận giữa Thủ tướng ba nước về Tam giác phát triển.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách, nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định của kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, khu vực và đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2010. Chuyến thăm của Chủ tịch nước sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào và trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm./.